NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA NGÒI BÚT KIM LÂN VÀ NAM CAO

Ngày 25/04/2021 23:14:51, lượt xem: 3418

Đề bài: Đã có 2 buổi sáng đặc biệt được vẽ ra bởi Nam Cao và Kim Lân. Cảm nhận những diễn biến tâm trạng của Chí Phèo trong buổi sáng sau đêm tự tình (Chí Phèo - Nam Cao) và những diễn biến tâm trạng của anh cu Tràng trong buổi sáng sau đêm tân hôn (Vợ nhặt - Kim Lân) để thấy được điểm gặp gỡ của 2 tác giả này.

 


Bài làm


Đối với các tác phẩm tự sự thì phần hồn cốt chính là bóng dáng của nhân vật. Nhưng để tạo nên sức sống, sự gần gũi cho mỗi nhân vật lại là diễn biến tâm trạng. Nó mang những giá trị văn chương đến gần hơn với độc giả, để người đọc thấy rằng các nhân vật trong sáng tạo nghệ thuật là sự phản ánh sinh động, chi tiết mang dáng dấp của con người trong đời sống. Trên hành trình kiếm tìm những giá trị thẩm mĩ ấy, chúng ta bắt gặp một Chí Phèo hoàn toàn khác lạ, một Chí Phèo “lương thiện” thế, sau khi gặp thị Nở vào buổi sáng trong trẻo vô ngần. Và một anh cu Tràng tưởng như ngờ nghệch chẳng biết điều gì, ấy vậy mà sáng ấy đã ý thức được trách nhiệm của mình, trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình. Nam Cao và Kim Lân đã khai thác đến tận cùng những rung động sâu lắng nhất trong tâm hồn nhân vật đồng thời đưa câu chuyện lên đến cao trào. Và đây có thể coi là hai đoạn miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật đặc sắc và tiêu biểu nhất trong văn học.


Cùng viết về đề tài người nông dân nhưng Kim Lân không giống Nam Cao và họ cũng chẳng giống bất kì một cây bút nào. Nếu như Kim Lân cho ta thấy sự khốn cùng của người dân khi đứng trước bờ vực của cái chết thì Nam Cao cho ta thấy nhiều hơn nỗi khổ về gánh nặng, bi kịch tinh thần. “Chí Phèo” sáng tác năm 1941, được nhà văn Nam Cao đặt tên trong bản thảo là “Cái lò gạch cũ”, nhưng có lẽ nhằm gây chú ý cho công chúng đương thời, nhà văn Lê Văn Trương khi viết lời tựa cho tập truyện đã đổi thành “Đôi lứa xứng đôi”. Về sau, khi in lại truyện này trong tuyển tập “Luống cày” tác giả Nam Cao đổi tên truyện của mình thành “Chí Phèo”. Nó kể ta nghe, vẽ ta thấy số phận, cuộc đời của những người nông dân lương thiện bị xã hội thực dân nửa phong kiến trong những năm trước cách mạng đẩy vào con đường bần cùng, tha hóa. Còn “Vợ nhặt” lại mang đến cho ta một bức tranh cuộc sống bình dị, nghèo khó, một cuộc sống cùng cực nhưng vẫn chan chứa biết bao tình. Tiền thân của nó từ tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” song vì kháng chiến mà bản thảo đã bị thất lạc và rơi rớt nhiều. Cho nên năm 1954, khi hòa bình lập lại Kim Lân đã viết tác phẩm này dựa trên những hình dung, tưởng tượng về nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà từ Quảng Trị đến Bắc Kì có hai triệu đồng bào chết đói. Về sau “Vợ nhặt” được in vào tập “Con chó xấu xí” năm 1962 và trở thành tác phẩm thành công nhất viết về nạn đói.


Đọc “Chí Phèo” ta thấy hắn vốn dĩ đã từng có quãng kí ức rất tươi đẹp. Hắn từng là một anh canh điền hiền lành, lương thiện. Hắn cũng ước mơ một cuộc sống giản dị như bao người, hắn ước mình có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải, và khi có tiền hắn sẽ mua cả ruộng nữa. Những tưởng ước mơ bé nhỏ ấy sẽ theo Chí lớn lên nhưng cuộc đời vốn biết trêu người, chỉ vì sự ghen tuông vô cớ mà Chí bị Bá Kiến bỏ tù. Nhà tù thực dân đã khiến hắn thay đổi cả về nhân hình và nhân tính để rồi cả làng Vũ Đại không ai còn nhận ra hắn. Giống như thị, Chí cũng là một số không tròn trĩnh của Nam Cao, để có được miếng ăn hắn chỉ còn cách rạch mặt, ăn vạ. Cuộc đời khốn khổ đến tận cùng khi Chí chỉ biết chìm đắm trong những cơn say triền miên và bắt đầu làm tay sai cho kẻ đá hủy hoại cuộc đời mình để phá phách dân làng. Chính điều đó, khiến dân làng kinh tởm hắn, không một ai trả lời hắn, hắn trở thành con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại. Còn nỗi đau nào hơn khi bị cướp đi quyền làm người. Những tưởng cuộc đời của một kẻ “kinh tởm” như Chí sẽ kết thúc tại đây thì cuộc gặp gỡ bất ngờ với Thị Nở đã mở ra một cánh cửa hi vọng trong một con quỷ đội lốt người ấy.


Chính cuộc gặp với Thị Nở đã khiến Chí nhận ra cuộc sống xung quanh tươi đẹp, vui vẻ nhưng lại xa lạ với hắn. Hắn nghĩ về quá khứ rồi mơ màng nghĩ đến tương lai. Đêm say ấy khiến cuộc đời của hai con người khốn khổ ấy thay đổi! Sáng hôm ấy trong trẻo quá! Lần đầu tiên Chí thấy mình tỉnh, hắn nghe tiếng ríu rít bên ngoài, tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng gõ mái đuổi cá của anh thuyền chài. Tất cả những âm thanh ấy là những tiếng quen thuộc ngày nào chả có, nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy bởi xưa nay hắn ta chưa bao giờ hết say. Không những thế, Chí còn biết ngoài cái lều ẩm thấp chỉ có hơi lờ mờ, mặt trời chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cũng như người say tỉnh dậy, Chí Phèo thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Chí nhớ về quá khứ, cái thời hắn đã có ước mơ, ước một cuộc sống có gia đình, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn. Cũng chính lúc này hắn chua xót nhận ra cuộc đời mình. Hắn đã già mà vẫn cô độc, nghĩ tới cái dốc bên kia của cuộc đời, hình dung được cả tương lai đầy bất trắc. Ở những người như hắn, chịu biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa cuối mùa thu cho biết trời sắp gió rét, này mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc… càng nghĩ hắn càng lo vì cô độc đáng sợ hơn đói rét hàng vạn lần. Chữ “người” trong con quỷ ấy dường như đang được đánh thức, hắn bắt đầu ý thức được tương lai và nỗi cô độc của mình và quan trọng là hắn bắt đầu thấy sợ, sợ cái điều mà xưa nay hắn chưa bao giờ để ý. Khi hắn thấy sợ cũng chính là lúc con đường quay trở về với “người” ngày càng gần.


Chính vào cái thời khắc hắn biết sợ, hắn đã được bàn tay của một người đàn bà chăm sóc. Thị Nở mang đến cho hắn một báo cháo hành. Với Thị, việc ấy xuất phát từ sự đáng thương đối với một người đau ốm mà phải nằm chỏng queo một mình, lòng yêu của một người làm ơn và có cả lòng yêu của người chịu ơn. Nhưng với Chí Phèo, anh ta cảm nhận được rất nhiều điều mà trước nay anh chưa từng có. Bởi đây là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì… Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”. Hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả. Còn lần này, bát cháo hành của Thị Nở đã làm hắn suy nghĩ nhiều. Hóa ra vẫn có người yêu hắn, lo cho hắn và hắn không còn cô độc. Hắn khao khát niềm yêu thương ấy! Nhờ “tình yêu” của Thị Nở dành cho hắn, khiến cho “phần người” trong con quỷ ấy được đánh thức mạnh mẽ và sâu sắc. Hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt, hắn nhìn bát cháo hành đang bốc khói mà bâng khuâng. Hắn thấy vừa vui vừa buồn… Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn lại hiền thế! Và ở con người ấy còn có cả sự ăn năn, hối hận về tội ác mình đã gây ra khi hắn không còn đủ sức để ác nữa. Chí tự hỏi rồi lại tự trả lời mình, ngẫm nghĩ mà sợ hãi bởi hắn ta không còn mạnh nữa. Xưa nay hắn sống bằng nghề cướp giật và dọa nạt, nếu không còn sức để mà cướp giật, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành hắn mạnh vì liều nhưng rồi chính hắn lại mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều nữa.


Trong hắn giờ đây chỉ toàn là khát khao lương thiện, có lẽ lúc này là đỉnh điểm của sự thức tỉnh. Hắn bắt đầu thèm được làm “người”, một người lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ là người mở cánh cửa lương thiện ấy, Thị có thể sống yên ổn, hòa thuận, yêu thương với hắn thì sao người khác lại không thể được. Làng Vũ Đại sẽ nhận hắn, công nhận hắn vào xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Nghĩ thế, hắn vui vẻ hẳn lên và nhìn Thị bằng đôi mắt rất mực phong tình và rồi hắn hình dung ra tương lai của mình - chúng mình sẽ thành một cặp rất xứng đôi.


Nam Cao đã để cho Chí Phèo gặp Thị Nở để chứng tỏ cho chúng ta thấy giá trị con người của Chí chưa hoàn toàn biến mất, nó chỉ bị che lấp bởi vóc dáng của một con quỷ, của những vết sẹo theo năm tháng mà hắn đã sống cùng cực ở làng Vũ Đại. Tình yêu của Thị - một kẻ dở người đã nhen nhóm, đánh thức bản chất tốt đẹp trong Chí mà lâu nay mọi người và cả hắn đã quên. Với những thay đổi trong Chí sau khi gặp Thị Nở ta dường như khiến chúng ta nhận ra sự tha hóa suốt mười mấy năm của Chí đã có sự góp mặt của bọn nhà tù thực dân, phong kiến nhưng để đánh thức phần người trong hắn chỉ là một thứ tình yêu mộc mạc, giản dị của Thị Nở. Điều đó cho thấy, Nam Cao luôn đề cao và trân trọng giá trị của tình yêu thương con người.
Dù có được viết theo cách nào, dù có đẩy nhân vật của mình đến tận cùng của tấn bi kịch đi chăng nữa! Thì đằng sau sự đớn đau ấy là một tấm lòng nhân hậu luôn chỉ hướng về con người, yêu thương con người. Kim Lân cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bức ra từ cái chết là những ước mơ cao đẹp của con người. Đó là khát khao được sống, được có gia đình. Diễn biến của Tràng trong buổi sáng ngày hôm sau đã chứng minh cho điều đó.


Theo bước chân Tràng từ phố chợ đến miền quê, ta thấy bầu không khí tang tóc, u ám; cảnh vật thê lương, ảm đạm, con người thì dật dờ như những bóng ma. Nếu trong hội họa bức tranh được vẽ bởi đường nét, hình khối và màu sắc thì bức tranh của Kim Lân được vẽ lên bởi ngôn từ và cảm xúc xót xa, đau đớn. Ở đó có đầy đủ từ màu sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi vị, … và tất cả được hòa lẫn vào “cái đói” đang bao trùm lấy cả xã hội. Cả “Vợ nhặt” đang chìm trong “cái chết”, một cái chết mênh mông. Một màu xám xịt bủa vây từ ngã tư xóm chợ về chiều, màu tối mênh mông của những cánh đồng, hai bên dãy phố tưởng như sẽ khá khẩm hơn nhưng cũng úp súp tối om, không nhà nào có ánh đèn, ánh lửa. Vẩn lên trong bầu không khí là mùi ẩm mốc của rác rưởi, mùi gây gây của xác người và mùi đốt đống dấm khét lẹt. Và cả những âm thanh rợn người, nào tiếng quạ kêu thê thiết, tiếng hờ khóc tỉ tê của những gia đình có người chết đói, rồi cả tiếng trống thúc thuế đầu làng. Nổi bật trên phông nền đó là những gốc đa, gốc gạo xù xì, những cánh quạ vẩn trên bầu trời như những đám mây đen và ngôi nhà của Tràng thì siêu vẹo, méo mó. Phía ngoài xa dòng sông trắng uốn khúc quanh cánh đồng tối mênh mông. Mọi hình ảnh không có dấu hiệu của sự sống, tất cả đều ám chỉ cho nạn đói và sự chết chóc. Và con người cũng vậy! Bóng những người chết nằm cong queo bên đường, người sống thì đi lại dật dờ bên những gốc đa, gốc gạo rồi cả những người tản cư từ vùng Thái Bình, Nam Định bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma. Những người còn sống đều thoi thóp đang chờ để lạc vào cõi chết. Tất cả đều nằm trong guồng quay của nạn đói. Có lẽ không nên gọi đây là bức tranh về cuộc sống khi cái chết đang thống trị, tràn ngập còn sự sống thì nhỏ nhoi, mờ nhòe.


Trong hoàn cảnh ấy, thân phận con người cũng tàn lụi theo. Người đàn bà Tràng gặp ngoài kho thóc trong bộ dạng rách tả tơi, thân hình gầy sọp đi vì đói. Người đàn bà ấy đã theo không Tràng về làm vợ, bỏ qua hết danh dự, lòng tự trọng để được ăn, được sống. Thân phận con người rẻ rúng đến tận cùng, rẻ đến mức người ta có thể tùy ý “nhặt nhạnh” được ngoài chợ. Mẹ con Tràng cũng không khá khẩm hơn là mấy. Nếu như “Chị Dậu” của Ngô Tất Tố còn có thể bán đàn chó chưa mở mắt, bán cả cái Tí cho nhà giàu, đằng này mẹ con Tràng có gì đâu ngoài ngôi nhà nhỏ lụp xụp trên sân mọc lổm ngổm đầy cỏ dại, mà thử có đàn chó con như chị Dậu để bán thì cũng chẳng có ai mua vì ai cũng nghèo, cũng đang đi đến bờ vực của cái chết.


Nhưng trong sự khốn khó cùng cực ấy Tràng lại có vợ, có thêm một miệng ăn, mà như thế là đồng nghĩa với việc cái chết đang đến gần hơn. Tuy nhiên ta lại không thấy Kim Lân tả cái chết mà chỉ toàn những chuyện vui, chuyện sướng của anh cu Tràng sau khi lấy vợ. Khi có vợ Tràng cảm nhận có một cái gì mới mẻ “trong người êm ái lửng lơ”, hắn chợt nhận ra “xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ”. Hạnh phúc đã khiến Tràng biến đổi hẳn: “bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng” tình yêu, hạnh phúc khiến Tràng như thay đổi rõ rệt, tâm hồn anh giờ đây như ngập tràn “hương vị hạnh phúc”, “bây giờ hắn mới thấy hắn nên người”. Rõ ràng với tấm lòng khao khát hạnh phúc, Tràng đã đứng vững để cùng người vợ nhặt ước mơ những điều đơn giản nhất của con người: mái ấm gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là một điều thật bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời Tràng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Một niềm vui thật cảm động, lẫn cả hiện thực lẫn giấc mơ. Chi tiết: "Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà" là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ ngây dại sang ý thức. Tràng đã có một ý thức bổn phận sâu sắc: "hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này". Tràng thật sự "phục sinh tâm hồn" đó là giá trị lớn lao của hạnh phúc. Có lẽ giờ đây Trang đã ý thức được bổn phận và trách nhiệm của bản thân, của một người chồng, một người con trai cả. Tràng đã không còn suy nghĩ đơn giản, ngây ngô như lúc chưa có vợ nữa. Giờ đây, điều mà anh ta nghĩ đến là tương lai của gia đình, tương lai để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một mái ấm gia đình hạnh phúc hơn. Cái đói vẫn còn ám ảnh trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới, đàn quạ bay vù lên bầu trời, tiếng trống thúc sưu thuế và cả bát cháo cám đắng chát cùng sự tủi hờn len lỏi vào tâm trí cả nhà Tràng. Chính trong hoàn cảnh đó “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.” Hình ảnh lá cờ như mở ra một bước ngoặt trong nhận thức của Tràng. Có lẽ, con đường các mạng như là ánh sáng mở đường cho tương lai của Tràng và gia đình Tràng. Là con đường giúp Tràng vực dậy thay đổi số phận “khốn khổ” của mình. Đây là điều mà các tác phẩm “Chí Phèo” và các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 không nhìn thấy được, và cũng là nét chấm phá làm nên một Kim Lân rất riêng trong giai đoạn này. Nền văn học mới sau Cách mạng tháng Tám đã đặt vấn đề và giải quyết vấn đề số phận con người theo một cách khác, lạc quan hơn, nhiều hi vọng hơn. Những thay đổi lớn lao trong suy nghĩ, tâm trạng nhân vật Tràng là biểu hiện rõ nhất cho tâm hồn khao khát sống, hướng về ánh sáng.


Cả Nam Cao và Kim Lân đã miêu tả rất tự nhiên diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo và Tràng vào buổi sáng hôm sau. Đó đều là hiện thân, là kết quả của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi. Buổi sáng hôm ấy của Chí Phèo và Tràng đều là những khoảnh khắc tươi tắn, hạnh phúc nhất trong mỗi tác phẩm. Chí khao khát làm người lương thiện còn Tràng tràn trề cảm xúc phấn khởi, tự tin, lạc quan vào cuộc sống. Tuy nhiên để làm nên tên tuổi của mỗi người thì ta thấy ở họ lại có những điểm rất riêng và độc đáo. Nam Cao với một “Chí Phèo” mang đầy tâm trạng hồi hộp, hi vọng, lo âu thậm chí nghi ngờ về con đường trở về làm người lương thiện, liệu rằng Chí có trở lại được hay không? Câu trả lời rằng, Chí bị cự tuyệt quyền làm người lương thiện rồi, Chí chết rồi! Đó là kết thúc mang bế tắc trong tư tưởng của Nam Cao. Còn với Kim Lân thì dù có đói khổ, dù cái chết đang gần kề nhưng ta vẫn thấy niềm tin vào tương lai, một tương lai sẽ đầy đủ, ấm no. Cả Nam Cao và Kim Lân đã gặp nhau trong giao điểm của những người nghệ sĩ chân chính - đó là giá trị nhân đạo. Bằng một cách nào đó, tác giả đã để cho nhân vật của mình được sống thêm một cuộc đời nữa, đó là một cuộc đời khác, dù trong đói khổ, dù hiện thực vẫn phũ phàng thế nhưng người ta đang có cho mình niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn. Hai phân đoạn diễn biến cũng chính là tiếng nói tố cáo xã hội thực dân đẩy những người lao động vào tình cảnh thê thảm nhưng đó cũng là tiếng nói đồng cảm, trân trọng cho khát vọng sống cao đẹp của họ.


Hai câu chuyện khép lại, Nam Cao và Kim Lân đều cho ta thấy những rung động thật khẽ, thật tinh tế trong tâm hồn mỗi nhân vật. Đó là một Chí Phèo với những thay đổi trong buổi sáng hôm sau, hắn khao khát được làm người lương thiện, được sống một cuộc sống bình thường. Đó là Tràng, trong cảnh đứng trước bờ vực của cái chết vẫn tràn đầy niềm tin, yêu cuộc sống khi có vợ. Chính tình yêu thương đã dẫn lối con người đến những điều thiện lương, tốt đẹp nhất. "Chí Phèo" và "Vợ nhặt" sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc, sẽ là những áng văn bất hủ của văn học Việt Nam. Và hai buổi sáng đặc biệt được Kim Lân và Nam Cao vẽ ra, đã khiến cho mỗi chúng ta có thêm niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn đáng quý của người lao động.

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan